Những kinh nghiệm khi phỏng vấn

Những kinh nghiệm khi phỏng vấn

Tác giả: Đinh Hoàng Phong

Một số điểm cần lưu ý trong khi viết resume

  • Với những bạn đang học đại học thì thường resume không nên dài quá 1 trang
  • Bạn nên viết rõ mục tiêu của bạn (objective) vào trong resume để nhà tuyển dụng hiểu rõ bạn đang tìm kiếm điều gì trong công việc tiếp theo.
  • Nhấn mạnh những kĩ năng có liên quan đến công việc bạn đang tìm kiếm, và nếu cần thiết thì phải bỏ đi những phần không liên quan.
  • Nếu bạn còn đang là sinh viên thì nên ghi rõ trường bạn đang học và điểm trung bình tới thời điểm gần nhất.
  • Khi bạn viết resume xong, hãy đưa thử một người khác đọc và hỏi họ xem, nếu họ là nhà tuyển dụng, họ có chú ý đến bạn hay không, từ đó bạn hãy lắng nghe những gì họ nói và sửa đổi để hoàn thiện resume của mình hơn

Ví dụ: một resume được trình bày rõ ràng

Những bước cơ bản để nộp hồ sơ và thu hút nhà tuyển dụng

  • Nếu bạn có quen biết ai trong một công ty nào nó, hãy nhờ họ giới thiệu bạn vào công ty đấy (ask for referral). Đây là cách dễ nhất để được chọn phỏng vấn, tất nhiên với điều kiện là bạn cũng phải là một người có thực lực.
  • Có nhiều cách để giới thiệu bản thân đến các công ty như hội chợ việc làm, Linkedin… Bạn có thể liên hệ trực tiếp nhà tuyển dụng để giới thiệu bản thân.
  • Một số công ty lớn thì sẽ yêu cầu bạn nộp hồ sơ qua Internet. Họ sẽ yêu cầu bạn có resume, thỉnh thoảng có cả thư xin việc (cover letter), và học bạ (transcript).
  • Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc có liên quan đến nghiên cứu khoa học, và bạn có một bài báo ở một hội nghị khoa học lớn, bạn nên tham dự vì sẽ có rất nhiều nhà tuyển dụng của các công ty hàng đầu thế giới đến để mời chào bạn.

Quy trình phỏng vấn thông thường

  • Coding assessment: Phần này bạn sẽ phải giải 1 đến 2 bài toán trong một thời gian quy định. Các bài toán này chủ yếu tập trung vào thuật toán (algorithms) và cấu trúc dữ liệu (data structure) đơn giản, không quá phức tạp.
  • Phone screening: Phần này bạn sẽ phải trả lời phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại (hoặc Skype/Hangouts/…)
  • Onsite Interview: Đến vòng phỏng vấn này, bạn sẽ được mời đến công ty và sẽ có 3-5 người phỏng vấn bạn trực tiếp tại chỗ. Ở mỗi lần phỏng vấn, sẽ có khoảng 1 đến 3 nhân viên đưa ra những câu hỏi khác nhau cho bạn. Một số công ty sẽ có nhân viên dẫn bạn đi ăn sáng/trưa/tối để đánh giá con người của bạn.
  • Interview with hiring manager: Một số công ty sẽ yêu cầu bạn thêm một phần phỏng vấn với một hiring manager, người đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tuyển dụng bạn hay không. Ở vòng này có thể là technical hoặc behavioral skills.

Những điều cần biết khi trả lời phỏng vấn

  • Nếu bạn không bị bắt buộc về ngôn ngữ lập trình khi phỏng vấn, hãy nói rõ cho người phỏng vấn biết ngôn ngữ bạn lựa chọn để phỏng vấn là gì.
  • Khi đọc câu hỏi xong, bạn nên xác định lại với người phỏng vấn rằng bạn đã hiểu rõ câu hỏi để tránh thời gian bạn hiểu sai câu hỏi, dẫn đến lãng phí thời gian.
  • Bạn không nên hỏi người phỏng vấn về độ phức tạp của thuật toán mà họ yêu cầu. Đây là một phần đánh giá mà thường thì người phỏng vấn sẽ đặt ra để bạn tự tìm kiếm cách trả lời tối ưu.
  • Trong quá trình suy nghĩ trả lời câu hỏi, bạn cần phải nghĩ đến cả các giới hạn và những điều bạn có thể giả định trước được. Ví dụ như nếu bài toán có đầu vào là một dãy số, bạn cần biết đó là dãy số tự nhiên hay số thực, và dãy số có độ dài là bao nhiêu, và định dạng của đầu vào như thế nào.
  • Khi bạn trả lời một câu hỏi phỏng vấn thì hãy đưa ra một cách giải đơn giản nhất, không cần phải tối ưu (trừ khi bạn chắc chắn rằng cách giải tối ưu của bạn là đúng, và bạn có thể lập trình trong một thời gian ngắn). Nếu như bạn không nghĩ ra cách giải tối ưu thì ít nhật bạn cũng có một cách giải để giải quyết được bài toán. Trong thực tế thì có những bài toán thì cách giải tối ưu cũng chỉ là một phép tối ưu hoá từ những cách giải đơn giản.
  • Khi bạn trả lời phỏng vấn qua điện thoại thì phải nói hết ra những gì bạn suy nghĩ. Quá trình này ban đầu có vẻ rất khó để luyện tập, nhưng nếu như bạn không làm như vậy thì không cách nào người phỏng vấn có thể biết được bạn đang suy nghĩ gì, và cách họ đánh giá về bạn cũng không được rõ ràng và chính xác nhất.
  • Nếu như trong vòng 2 đến 3 phút và bạn không có một ý tưởng để trả lời câu hỏi thì bạn có thể yêu cầu một gợi ý để bạn có thể giải quyết bài toán. Đây là một điều chấp nhận được và rất bình thường trong phỏng vấn.
  • Điều quan trọng nhất của một cuộc phỏng vấn đó là hãy xem nó như một cuộc trò chuyện về một bài toán giữa hai lập trình viên với nhau. Bạn cần phải thoải mái bởi vì họ cũng sẽ đánh giá ở tiêu chí này. Người phỏng vấn cần biết được rằng bạn có thể là một người đồng nghiệp của họ trong tương lai được hay không.

Bạn cũng có thể tham khảo thêm hướng dẫn phỏng vấn của Google

Những dạng câu hỏi và cách luyện tập trả lời

Dạng câu hỏi về kĩ thuật (technical questions) 90% các câu hỏi sẽ thuộc về dạng này. Các câu hỏi ở dạng này sẽ có những loại như sau:

  • Câu hỏi về thuật toán (algorithms)
  • Câu hỏi về cấu trúc dữ liệu (data structure)
  • Câu hỏi về khả năng thiết kế hệ thống (system design)

Dạng câu hỏi về kĩ năng ứng xử (behavioral questions)

  • Một số công ty sẽ yêu cầu bạn trả lời những tình huống nhất định để đánh giá về con người của bạn có phù hợp với yêu cầu nhất định hay không.

Với những bạn chưa có nhiều kiến thức hoặc muốn ôn tập lại kiến thức về thuật toán và cấu trúc dữ liệu thì các bạn có thể tìm đọc những cuốn sách (như sách của thầy Lê Minh Hoàng) hoặc những bài viết tiếp theo của chúng tôi về những kiến thức cơ bản/nâng cao cần biết về thuật toán.

Với những bạn đã có những kiến thức cơ bản về thuật toán và cấu trúc dữ liệu thì cơ bản các bạn chỉ cần luyện tập kĩ năng trả lời câu hỏi sao cho thật là thuần thục. Một số trang web để các bạn luyện tập như leetcode, hackerrank, …

Nếu bạn có quen một ai đó có thể giúp đỡ bạn, bạn hãy nhờ họ làm một cuộc phỏng vấn thử. Trong lúc phỏng vấn thử này, họ sẽ đưa cho bạn một câu hỏi, và nhiệm vụ của bạn là hãy trả lời một cách suôn sẻ, và họ sẽ đưa ra ý kiến của riêng họ về những điều bạn có thể cải thiện để tiến bộ hơn.

Những điều mà các nhà tuyển dụng thường chú ý

  • Khả năng chuyên môn giỏi: Điều này thể hiện qua cách bạn giải quyết các vấn đề, bài toán mà họ đưa ra. Bạn có thể không phải là người giỏi nhất, nhưng chỉ cần bạn thể hiện đúng năng lực của mình với sự tự tin và kiến thức của bản thân, họ sẽ có một đánh giá công bằng nhất về trình độ hiện tại và có thể là tương lai của bạn.
  • Khả năng giao tiếp thuần thục: Họ đang tìm kiếm những nhân viên tương lai mà họ đánh giá rằng họ có thể huấn luyện/làm việc chung với chính bản thân họ được. Vì vậy, hãy cứ thoải mái chia sẻ và trao đổi với người phỏng vấn để họ biết được khả năng thật sự của bạn ở mức độ nào.
  • Sự trung thật: Bạn sẽ không bao giờ thành công nếu thiếu yếu tố này. Một ví dụ đơn giản như nếu bạn đã biết chắc chắn đáp án của câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra, hãy thành thật nói với họ như vậy.